Thứ sáu, 19/04/2024 - 22:45|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Bùi Thị Xuân

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2020

Bài giới thiệu sách tháng 4 với chủ đề KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2020)

CUỐN SÁCH “XÂY DỰNG TUYẾN PHÒNG THỦ VEN BIỂN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN (TỈNH BÌNH ĐỊNH – PHÚ YÊN)”

 

Trong không khí cả nước chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ 7, nhằm ôn lại lịch sử dân tộc và những thành quả mà cha ông ta trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước đã gây dựng, Thư viện trường xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách “Xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dưới triều Nguyễn (Tỉnh Bình Định – Phú Yên)”. Sách được NXB Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2016 dó tác giả Nguyễn Văn Thưởng biên soạn.

Thưa quý bạn đọc!

Cuốn sách “Xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dưới triều Nguyễn (Tỉnh Bình Định – Phú Yên)” của tác giả Nguyễn Văn Thưởng chỉ vẻn vẹn 186 trang với khổ sách 13x21cm nhưng đã khái quát được hết ý thức biển, đảo cùng quá trình xây dựng tuyến phòng thủ ven biển Bình Định - Phú Yên của các vị vua triều Nguyễn.

Như chúng ta đều biết, Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Đây là triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XIX. Trong suốt quá trình tồn tại, các vị vua triều Nguyễn đều nhận thức được biển đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của triều đại, với an ninh quốc gia, dân tộc. Nó được xem là nhân tố, là cơ sở để phòng thủ, bảo vệ quốc gia từ xa trước sự dòm ngó của bên ngoài, nhất là các nước phương Tây. Do đó, triều đại này đã xây dựng một hệ thống phòng thủ ven bờ biển để cùng bảo vệ vùng lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia thống nhất.

Bình Định và Phú Yên là hai tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có đường bờ biển dài, có nhiều cửa biển, vũng, vịnh nước sâu rất thuận lợi cho việc mở các hải cảng và tàu thuyền ra vào. Cùng với các tỉnh ven biển khác trong cả nước, việc phòng thủ ven biển ở Bình Định và Phú Yên luôn được chú ý, coi trọng tạo ra một hệ thống phòng thủ vững chắc, kết nối với các tỉnh thuộc miền Trung để cùng bảo vệ toàn vẹn lãnh thỗ và xác lập chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Việc xây dựng hệ thống phòng thủ ven bờ biển để bảo vệ vùng lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia rất được các vua triều Nguyễn chú trọng.

Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa qua 4 chương của cuốn sách “Xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dưới triều Nguyễn (Tỉnh Bình Định – Phú Yên)”.

Chương 1: Ý thức biển, đảo của các vị vua triều Nguyễn. Ở chương này, tác giả đã  nêu bật ý thức về biển đảo của các vị vua triều Nguyễn. Bảo vệ quốc gia từ phía biển luôn được vua Gia Long quan tâm, đề phòng bằng những hệ thống phòng thủ ven biển, bằng việc tuần tra, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Chương 2: Vị thế chiến lược vùng đất Bình Định và Phú Yên. Chương 3: Quá trình xây dựng tuyến phòng thủ ven biển Bình Định – Phú Yên thế kỷ XIX. Hai chương này nêu bật vị trí chiến lược và quá trình xây dựng tuyến phòng thủ ven biển ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên dưới triều Nguyễn. Bình Định - Phú Yên có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong ý thức bảo vệ biển đảo, phòng thủ chống xâm lược ở các vua triều Nguyễn.

Chương 4 của cuốn sách có tên “Ý nghĩa từ việc xây dựng và hoạt động tuyến phòng thủ ven biển”. Trong cái nhìn của các vị vua triều Nguyễn, vị thế của biển đảo được đánh giá cao, thể hiện cái nhìn hướng ra biển để giữ gìn, khẳng định chủ quyền đất nước. Đây là cơ sở để nhà Nguyễn tổ chức và tiến hành các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển một cách liên tục.

Toàn bộ nội dung cuốn sách sẽ giúp người đọc hiểu thêm về quá trình triều Nguyễn đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển, đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.

Đây chỉ là một vài nét khái quát về nội dung của cuốn sách. Để tìm hiểu chi tiết hơn, mời quý thầy cô và các bạn đến với thư viện trường để tìm đọc. Sách hiện có tại Thư viện trường ở kệ sách tham khảo từ số ĐKCB 2146 đến 2150.

Với bài giới thiệu sách này, Thư viện trường hy vọng sẽ giúp quý thầy cô và các bạn học sinh có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Lượt xem: 256
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 6
Tháng 04 : 162
Năm 2024 : 2.456